Danh Mục
1. Paraben là gì?
Khi mua mỹ phẩm, bạn quan tâm điều gì trước tiên? Thương hiệu, giá cả, dung tích hay bao bì, thiết kế? Có những khách hàng khi mua mỹ phẩm sẽ chú trọng tới bảng thành phần hay những nguyên liệu cấu thành nên sản phẩm, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm không chứa paraben. Vậy paraben là chất gì? Vì sao khách hàng có xu hướng mua hóa mỹ phẩm “paraben free”?
Paraben thường được biết tới với tên gọi là “chất bảo quản”. Paraben có nguồn gốc từ axit para-hydroxybenzoic. Có thể bạn chưa biết, paraben còn được tìm thấy trong các loại trái cây và rau củ quả như dưa chuột, anh đào, cà rốt, quả việt quất và hành tây. Paraben được hình thành tự nhiên trong cơ thể con người do sự phân hủy của một số axit amin.
Paraben được sử dụng trong mỹ phẩm, sản phẩm vệ sinh cá nhân, thực phẩm và dược phẩm. Sẽ có khách hàng thắc mắc paraben trong thực phẩm là gì? Có khác paraben trong hóa mỹ phẩm không? Về cơ bản, paraben là một nhóm các thành phần có tác dụng bảo quản, ngăn chặn sự phát triển của nấm, vi khuẩn và nấm men có thể gây hư hỏng sản phẩm. Các sản phẩm có chứa paraben sẽ có tuổi thọ lâu hơn (nhờ hạn sử dụng được kéo dài).
Trong ngành công nghiệp thực phẩm, paraben đã được sử dụng cách đây hơn 50 năm để làm chất bảo quản và chất chống vi khuẩn. Trong ngành công nghiệp hóa mỹ phẩm, bạn sẽ thấy các tên gọi khác nhau của paraben bao gồm methylparaben, ethylparaben, propylparaben, butylparaben, propylparaben, isopropylparaben và isobutylparaben.
Chúng ta dễ dàng bắt gặp các thành phần này trong các sản phẩm dưỡng da, đồ trang điểm, các sản phẩm chăm sóc tóc, xà bông,…Với những thông tin mà dược sĩ Omi Pharma cung cấp, bạn đã có thể tự trả lời sodium methylparaben là gì, methyl paraben hay methyl parahydroxybenzoate là gì khi đọc bảng thành phần của các sản phẩm hóa mỹ phẩm rồi phải không nào.
Các sản phẩm dán nhãn “paraben free” có nghĩa là không có paraben trong thành phần. Tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc hạn sử dụng của sản phẩm sẽ ngắn hơn và bạn cần phải bảo quản sản phẩm thật tốt để tránh bị vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập.
2. Paraben gây ung thư không?
Đã có rất nhiều thông tin cho rằng sử dụng các sản phẩm có chứa paraben làm tăng nguy cơ ung thư. Nguyên nhân là vì paraben khi đi vào cơ thể con người sẽ hoạt động giống như một loại hormone, mà cụ thể là có nét tương đồng với estrogen – hormone sinh dục nữ, dễ dây rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản ở phụ nữ. Tuy nhiên những nghiên cứu này được tiến hành trên động vật, kết quả ghi nhận lại khi chúng sử dụng paraben liều cực cao, lớn hơn rất nhiều so với lượng paraben mà con người tiếp xúc thực tế.
Do đó không phải cứ sản phẩm nào có chứa paraben đều là xấu, chúng ta cần nhìn nhận rõ về quan điểm này, không nên đánh đồng và không hoàn toàn tẩy chay các sản phẩm có chứa paraben. Hầu hết các nhà khoa học đều đồng ý rằng paraben trong các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân không phải nguyên nhân trực tiếp gây rối loạn nội tiết.
Vậy methylparaben có bị cấm không? Câu trả lời là còn tùy thuộc vào nhà sản xuất. Thực tế các nhãn hàng hoàn toàn có thể điều chế ra các loại mỹ phẩm không chứa paraben. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tuổi thọ và chất lượng của sản phẩm. Nếu có thành phần khác tác dụng tương tự như paraben nhưng thân thiện hơn với sức khỏe con người thì nhà sản xuất có thể thay thế. Paraben khi sử dụng với số lượng lớn và trong thời gian lâu dài mới gây hại cho sức khỏe.
3. Tác hại của mỹ phẩm có chứa paraben
Các loại paraben trong mỹ phẩm có thể thẩm thấu qua da trong quá trình bạn sử dụng và tích tụ trong cơ thể. Paraben gây hại cả với sức khỏe và môi trường nếu sử dụng với số lượng lớn. Do đó, không phải tự nhiên mà paraben luôn được gắn mác là thành phần “có hại”. Nếu paraben xuất hiện với tỉ lệ % ít trong bảng thành phần thì không đáng lo ngại.
Điều đáng chú ý là một số khách hàng gặp phải hiện tượng dị ứng với paraben trong dầu gội, paraben trong sữa rửa mặt, gây ra các phản ứng như mẩn đỏ da, kích ứng da gây ngứa ngáy, bong da, thậm chí là nổi mụn nước. Tất nhiên với những trường hợp này thì kể cả tỉ lệ paraben có đứng cuối bảng thành phần cũng không thể “cứu vãn”. Cách tốt nhất là lựa chọn sản phẩm có nhãn “paraben free” để sử dụng.
4. Danh sách mỹ phẩm chứa paraben
Thành phần paraben thường được tìm thấy trong các sản phẩm làm đẹp như:
- Kem nền dạng lỏng hoặc dạng bột (phấn phủ)
- BB hoặc CC creams
- Kem dưỡng ẩm có màu (thường dùng cho makeup)
- Kem chống nắng
- Kem hoặc phấn má
- Kem dưỡng ẩm
- Lotion dưỡng ẩm
- Dầu gội
- Dầu xả
- Kem cạo râu
- Kem tẩy lông
- Son môi (son màu và son dưỡng)