Danh Mục
1. Ho có đờm là gì?
Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm thải trừ các chất kích thích, các hạt bụi bẩn, chất bài tiết và các loại vi khuẩn ở đường hô hấp. Ho gồm có ho khan, ho có đờm, ho gà,… Trong đó, ho có đờm là triệu chứng hay gặp nhất trong các bệnh ở đường hô hấp như viêm họng, viêm phổi, hen phế quản,… Khi ho có đờm trên 3 tuần không khỏi thì được xem như là bệnh mạn tính.
2. Nguyên nhân gây ra ho có đờm lâu ngày không khỏi
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ho có đờm mạn tính, điển hình như:
– Phổi tắc nghẽn mạn tính: Là bệnh mà đường thở bị hẹp do tổn thương và tắc nghẽn ở các mô phổi. Nguyên nhân do tiếp xúc nhiều với môi trường gây hại, do hút thuốc hay hít phải khói thuốc lá,… Người bệnh có biểu hiện ho với đờm màu vàng, xanh lá hoặc đôi khi còn kèm cả màu đỏ của máu. Tình trạng ho có đờm kéo dài sẽ làm cho bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
Hình ảnh x-quang viêm phổi tắc nghẽn mạn tính
– Giãn phế quản thể ướt: Thường giãn ở thùy dưới hay lan ra 2 phổi, người bệnh ho khạc đờm nhiều. Đờm thường là mủ trắng đục, có khi ho ra máu.
– Bệnh lao phổi: Bệnh lây qua đường hô hấp, gây ra bởi chủng Mycobacterium tuberculosis. Người bệnh có các biểu hiện: ho có đờm lâu ngày không khỏi, tức ngực, khó thở, suy nhược cơ thể,…
– Các bệnh lý cấp tính như cảm lạnh, viêm amidan, viêm khí quản,… Bệnh lý cấp tính thường ít gây ảnh hưởng đến người trưởng thành khỏe mạnh mà thường nặng hơn ở trẻ em hoặc người già.
– Ảnh hưởng của yếu tố môi trường: Sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, lao động trong môi trường độc hại… sẽ gây ảnh hưởng đến đường hô hấp dẫn tới ho có đờm.
3. Triệu chứng của bệnh ho có đờm
Vì là bệnh liên quan đến đường hô hấp nên thường có các biểu hiện sau:
– Ho có đờm màu trắng đục, vàng hoặc xanh, đôi khi có lẫn máu, thường xuất hiện nhiều về đêm và lúc sáng sớm.
– Cảm giác nặng ở ngực, vướng ở cổ họng.
– Thường kèm theo sốt nhẹ, ngắt quãng.
– Ra mồ hôi lạnh vào ban đêm.
– Khi ho người bệnh có cảm giác đau tức ngực, khó thở.
– Suy nhược cơ thể, ăn không ngon, sụt cân.
– Nếu để ho có đờm dài ngày không chữa sẽ càng làm nặng thêm các bệnh lý ở đường hô hấp đang gặp phải.
Nếu thấy các triệu chứng kể trên xuất hiện thường xuyên, bạn nên đến gặp bác sĩ để được điều trị và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng thêm.
4. Cách chữa trị ho có đờm lâu ngày hiệu quả
4.1. Trị ho có đờm bằng thuốc Tây
– Dùng các loại thuốc long đờm: làm tăng bài tiết chất nhầy, làm loãng đờm, giúp cho việc khạc nhổ dễ dàng. Một số thuốc long đờm có thể kể đến như: Guaifenesin, muối Iod, Natri Benzoat, Terpin Hydrat,…
– Dùng các loại thuốc tiêu đờm: giúp phá vỡ và cắt đứt liên kết hóa học có trong đờm. Vì thế, giúp làm giảm độ quánh và đặc của đờm (khối lượng và thể tích đờm vẫn không đổi). Từ đó, giúp cho việc tống đờm ra ngoài bằng phản xạ ho được dễ dàng hơn. Một số loại thuốc tiêu đờm thường dùng như: Acetylcystein, ambroxol, Bromhexin, Carbocystein,…
Cần lưu ý các loại thuốc kể trên có thể gây hoa mắt chóng mặt, khởi phát cơn co thắt phế quản, làm loãng chất nhầy ở dạ dày gây viêm loét,… Vì thế người bệnh không nên tự ý mua thuốc mà cần phải thăm khám bác sĩ, hỏi ý kiến của các chuyên gia y tế để được tư vấn cách dùng hiệu quả.
Thuốc Acemuc giúp trị ho có đờm hiệu quả
4.2. Trị ho có đờm bằng các bài thuốc dân gian
Ngoài điều trị ho có đờm bằng thuốc, có thể cải thiện tình trạng này bằng những thảo dược theo kinh nghiệm dan gian được sử dụng từ lâu đời dưới đây:
Củ cải trắng
– Củ cải trắng có tính mát, vị thanh, thường được dùng để chữa trị viêm phế quản, ăn không tiêu, đái tháo đường,… Ngoài ra, nó còn có tác dụng trong việc làm tiêu đờm, giảm ho.
– Củ cải trắng được chế thành nước ép cùng với gừng và mật ong. Mỗi ngày uống 2 lần, có thể pha thêm nước ấm để uống.
– Đây là phương pháp được đánh giá là an toàn, đem lại hiệu quả cao và phù hợp với mọi lứa tuổi.
Lá húng chanh
– Lá húng chanh tính ấm, vị cay, có tác dụng tiêu đờm, phát tán phong hàn nên thường được dùng để chữa ho có đờm do viêm họng, cảm cúm.
– Lá húng đem rửa sạch, thái nhỏ, thêm một ít đường và mật ong rồi cho lên nồi hấp cách thủy. Ngày uống 2 lần.
Gừng
– Gừng vị cay, tính ấm, có tác dụng làm loãng đờm, trị ho, giảm các biểu hiện ngứa rát ở vòm họng.
– Gừng tươi bỏ vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng và đem hãm với nước nóng trong khoảng 5 phút. Ngày uống 2-3 lần, có thể thêm vào một ít mật ong để tạo mùi vị dễ chịu và tăng tác dụng giảm ho.
– Đây là giải pháp hiệu quả và dễ thực hiện, nguyên liệu có sẵn nên được nhiều người áp dụng.
Gừng tươi giúp chữa ho có đờm
Rau diếp cá
– Có tác dụng tiêu độc, trừ đờm nên thường được dùng để trị ho có đờm bởi tính an toàn, hiệu quả và chi phí thấp.
– Rau diếp cá đem rửa sạch, giã nát, cho vào nước vo gạo và đun sôi khoảng 10-15 phút. Tiếp đến lọc bỏ phần bã và lấy phần nước để uống.
Ngoài ra có thể sử dụng các thảo dược khác như cam thảo, mật ong, đường phèn, húng quế… giúp hỗ trợ điều trị ho có đờm hiệu quả.
4.3. Thay đổi trong chế độ sinh hoạt
Một số lưu ý trong chế độ sinh hoạt để cải thiện tình trạng ho có đờm bao gồm:
– Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi, khói thuốc lá, đeo khẩu trang khi ra đường.
– Tuyệt đối không được hút thuốc lá vì không những làm bệnh trầm trọng hơn mà còn gây hại cho phổi.
– Không uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích.
– Tập luyện thể dục thể thao đều đặn để tăng sức đề kháng và tăng cường hệ hô hấp.
– Có chế độ ăn hợp lý, đầy đủ vitamin, đạm, chất xơ và các chất dinh dưỡng khác. Một số loại thực phẩm tốt cho người bị ho có đờm như: bắp cải, tỏi, gừng, củ cải, rau má,…
– Súc miệng bằng nước muối nhiều lần trong ngày.
Tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe, góp phần trị ho có đờm
Trên đây là những thông tin về bệnh ho có đờm mà chúng tôi tổng hợp được. Hy vọng bài viết sẽ đem lại cho quý độc giả cái nhìn chính xác về bệnh ho có đờm và nắm được cách phòng tránh cũng như biện pháp điều trị ho có đờm hiệu quả nhất.